Ngày 18/9, Bệnh viện ĐK 115 đã tiếp nhận 1 trường hợp ngộ độc. Bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực- Chống độc với chẩn đoán ngộ độc methanol ngày thứ 3.
Lúc người nhà phát hiện thì bệnh nhân N.X.T (sinh năm 1965, xã Nghi Phú- TP Vinh) đã ở trạng thái lơ mơ, khó thở nhiều, nên đưa đến Bệnh viện cấp cứu. Qua khai thác bệnh sử, trước đó, bệnh nhân có uống rượu cả mấy ngày mà không ăn uống gì. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân có kích thích vật vã, mạch nhanh, huyết áp tụt (70/40mmHg).
Dựa vào các khai thác trên, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc rượu (Methanol) và nhanh chóng tiến hành xét nghiệm máu cho bệnh nhân. Các chỉ số: Khí máu: pH dưới 6,8, pCO2: 17, PO2: 130, HCO3-: không đo được, LaCtat: 10,3… cho thấy bệnh nhân hết sức nguy kịch đe dọa ngưng tim do rối loạn nội môi. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa nặng, theo dõi ngộ độc methanol/xơ gan, lạm dụng rượu.
Đại diện Khoa Hồi sức TC- CĐ cho biết, sau khi nhập viện, bệnh nhân đã ngay lập tức được đặt nội khí quản, thông khí nhân tạo chủ động, thiết lập đường truyền tĩnh mạch trung tâm và catheter lọc máu, tái lập huyết động bằng các thuốc vận mạch và dịch truyền.
Sau đó, khoa HSTC- CĐ đã hội chẩn khẩn cấp với các bác sĩ của Khoa Thận nhân tạo. Mặc dù là ngày chủ nhật nhưng kíp lọc máu của khoa Thận nhân tạo – lọc máu đã có mặt kịp thời và chỉ trong vòng 40 phút đã lên chương trình lọc máu cấp cứu cho bệnh nhân. Sau lần lọc máu đầu tiên, tình trạng bệnh nhân tuy có cải thiện nhưng chưa nhiều nên các bác sĩ khoa HSTC và thận NT đã quyết định tiến hành lọc máu lần thứ 2 nhằm mục đích đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng toan nguy kịch.
Sau 2 lần lọc máu cấp cứu và điều trị nội khoa theo phác đồ điều trị ngộ độc methanol của Bộ Y tế, bệnh nhân đã tỉnh táo, huyết động ổn định. Sau 1 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh, đã được ngừng thông khí nhân tạo, rút ống nội khí quản, tình trạng toan máu được cải thiện. Hiện người bệnh vẫn được tiếp tục theo dõi các chỉ số xét nghiệm, có thể xuất viện trong một vài ngày tới.
Bác sĩ Lê Tiến Phúc, khoa Hồi sức TC- CĐ, cho biết đối với bệnh nhân ngộ độc rượu Methanol, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, do toan máu nặng sẽ dẫn tới suy đa cơ quan, ngưng tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao hoặc nếu qua cơn nguy kịch, cứu được tính mạng thì để lại biến chứng mờ mắt.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại rượu không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1 – 2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, nhiều trường hợp đã tổn thương não, mù mắt, trong tình trạng nguy kịch.
Có rất nhiều vụ ngộ độc Methanol nguy hiểm trong thời gian gần đây. Điển hình, ngày 5/8, tại TP Hồ Chí Minh. một nhóm sinh viên đã sử dụng 5 lít rượu có sẵn trong kho của quán từ tháng 5, pha với nước ngọt để uống. Hôm sau, 2 người tử vong, 6 người đi cấp cứu. Trước đó, ngày 25/7, BV ĐK Cà Mau tiếp nhận 2 nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng, mê man, mạch và huyết áp bằng 0, phải thở máy. Dù các bác sĩ rất tích cực cứu chữa, bù nước và lọc máu nhưng cả hai đã không qua khỏi. 2 nạn nhân sau đó được chẩn đoán ngộ độc rượu, nghi ngộ độc Methanol.
Để phòng chống ngộ độc rượu, người dân tuyệt đối không uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, không nên sử dụng các loại rượu được pha từ nhiều loại khác nhau. Đặc biệt, không sử dụng các loại rượu có chứa cồn công nghiệp. Khi có biểu hiện ngộ độc rượu thì cần tìm ngay đến cơ sở y tế để được hỗ trợ.